Nguồn gốc Học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Marx Lenin

Lịch sử cho thấy không phải khi nào xã hội cũng có nhà nước. Trong xã hội nguyên thuỷ, do kinh tế còn thấp kém, chưa có sự phân hóa giai cấp, cho nên chưa có nhà nước. Đứng đầu các thị tộcbộ lạc là các tộc trưởng (hay tộc chủ) do những người dân ở đó bầu ra, quyền lực của những người đứng đầu thuộc về uy tín và đạo đức, việc điều chỉnh các quan hệ xã hội được thực hiện bằng những quy tắc chung, những tập quán trong cộng đồng. Trong tay họ không có và không cần một công cụ cưỡng bức đặc biệt nào.

Sự ra đời của nhà nước

Ph.Ăng-ghen đã mô tả sự ra đời của nhà nước trên cơ sở sự tan rã của chế độ thị tộc. Theo đó xã hội loài người qua quá trình phát triển đã dẫn đến sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Vào thời cổ đại đã diễn ra ba lần phân công lao động xã hội.

Chăn nuôi tách khỏi trồng trọt là đòn bẩy cho kinh tế và hình thành mầm mống tư hữu
  • Lần phân công thứ nhất, chăn nuôi đã trở thành một ngành kinh tế độc lập và tách ra khỏi trồng trọt, từ đây mầm mống của chế độ tư hữu phát triển và "gia đình cá thể đã trở thành một lực lượng đang đe dọa thị tộc"[3]
  • Lần phân công thứ hai, thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp, lần phân công này dẫn đến hình thành bước đầu chế độ nô lệ với số lượng nô lệ ngày càng tăng và họ bị đẩy đi làm việc ở ngoài đồng ruộng và trong xưởng thợ, thành từng đoàn mười người, người hai người một[4] điều đó cho thấy sự phân hóa xã hội, phân tầng xã hội sâu sắc.
  • Lần phân công thứ ba, sản xuất tách bạch với trao đổi dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân, lần đầu tiên xuất hiện một giai cấp tuy không tham gia sản xuất một tý nào nhưng lại chiếm toàn bộ quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế… và bóc lột cả hai, một giai cấp mà lịch sử loài người trước đó chưa hề biết đến.[5]

Qua ba lần phân công lao động này cho thấy lực lượng sản xuất phát triển dẫn đến năng suất lao động tăng, của cải làm ra ngày càng nhiều, và dẫn đến có của cải dư thừa kèm theo đó là sự tích trữ, đồng thời xuất hiện một bộ phận chiến đoạt của cải dư thừa đó (do nắm quyền quản lý, cai quản) hoặc giàu lên nhờ tích trữ, đầu cơ từ đây đã có sự phân hóa giàu nghèo, giữa người có của và người không có của, sự phân hóa giàu nghèo này dẫn đến hiện tượng phân tầng xã hội, phân chia thành các tầng lớp khác nhau từ đó dẫn đến phân chia giai cấp đồng thời và kéo theo xuất hiện mâu thuẫn giai cấp và điều không tránh khỏi là đấu tranh giai cấp, lúc này nhà nước đã có tiền đề rõ ràng cho sự ra đời của mình.

Cái tập quán giao cho những chức vụ của thị tộc cho một số gia đình nhất định đã biến thành một cái quyền không thể chối cãi của những gia đình đó được đảm nhiệm chức vụ ấy, bằng những gia đình ấy còn mạnh vị giàu có nữa, họ bắt đầu tập hợp nhau lại bên ngoài thị tộc của họ thành một giai cấp riêng biệt, có đặc quyền, rằng nhà nước vừa mới ra đời đã thừa nhận những tham vọng ấy của họ
— Ph.Ăng-ghen[6]

Lực lượng sản xuất phát triển đã dẫn đến sự ra đời chế độ tư hữu và từ đó xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng và cuộc đấu tranh giai cấp không thể điều hoà được xuất hiện. Điều đó dẫn đến nguy cơ các giai cấp chẳng những tiêu diệt lẫn nhau mà còn tiêu diệt luôn cả xã hội, tạo ra một tình trạng loạn lạc hỗn độn. Xã hội lúc này đòi hỏi phải có một tổ chức mới đủ sức dập tắt cuộc xung đột công khai giữa các giai cấp ấy, hoặc cùng lắm là để làm cho cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, dưới một hình thức gọi là hợp pháp và để thảm hoạ đó không diễn ra, một cơ quan quyền lực đặc biệt đã ra đời và đó chính là nhà nước. Từ nhu cầu phải kiềm chế sự đối lập của các giai cấp, làm cho cuộc đấu tranh của những giai cấp có quyền lợi về kinh tế mẫu thuẫn nhau đó không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội… và giữa cho sự xung đột đó năm trong vòng trật tự.[7]

Và như vậy là Nhà nước đã xuất hiện một cách khách quan, nó là sản phẩm của một xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, nó không phải là một quyền lực từ bên ngoài áp đặt và xã hội mà là một lực lượng nảy sinh từ xã hội, một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng trật tự.[8] Nhà nước đầu tiên trong lịch sử là nhà nước Chiếm hữu nô lệ, xuất hiện trong cuộc đấu tranh không điều hoà giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ. Tiếp đó là Nhà nước Phong kiến, Nhà nước Tư sản và sau cùng là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa.

Nguyên nhân trực tiếp

Nguyên nhân trực tiếp của sự xuất hiện nhà nước là mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. V.I.Lênin nhận định: Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hoà được.[9] Nhà nước chỉ ra đời, tồn tại trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội và sẽ mất đi khi những cơ sở tồn tại của nó không còn nữa.

Chỉ khi nào xã hội không còn giai cấp đối kháng và giai cấp nói chung thì lúc đó nhà nước mới biến mất. Sự tiêu vong của nhà nước là quá trình lâu dài, chỉ có thế hệ những người lớn lên trong điều kiện lịch sử mới, tức là bước quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản mới hình dung được sự tiêu vong của nhà nước…. khi nhà nước tỏ ra thật sự là đại biểu của toàn xã hội, nhân danh xã hội năm quyền sở hữu về các tư liệu sản xuất, việc quản lý người được thay bằng quản lý các quá trình sản xuất, lúc đó mới có thể đưa bộ máy nhà nước xếp vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu đồng
— Ph.Ăng-ghen[10]

Hình thức xuất hiện

Sự xuất hiện nhà nước ở các vùng và của các dân tộc khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau về kinh tế, xã hội và ngoại cảnh. Theo Ph. Ăng-ghen có ba hình thức xuất hiện điển hình:

Thành bang Aten Cổ đại
  • Nhà nước Nhã Điển: Là hình thức thuần túy và cổ điển nhất. Nhà nước Nhã Điển nãy sinh chủ yếu và trực tiếp từ sự đối lập giai cấp và phát triển ngay trong nội bộ xã hội thị tộc.
  • Nhà nước La Mã: Là kết quả của cuộc cách mạng với thắng lợi của giới bình dân chống lại quý tộc Lã Mã nhưng sau một thời gian giới bình dân và quý tộc hoàn toàn bị hòa tan vào nhau.
  • Nhà nước của người Nhật Nhĩ Man: Nãy sinh trực tiếp từ việc chinh phục đất đai rộng lớn của người khác. Tuy người Nhật Nhĩ Man chiến thắng đế chế La Mã nhưng do nhiều lý do và hoàn cảnh kinh tế như cơ sở kinh tế, trình độ phát triển kinh tế của người chinh phục và kẻ bị chinh phục, mức độ của cuộc chiến đấu… nên việc tổ chức xây dựng nhà nước của người Nhật Nhĩ Man có một số đặc điểm riêng.
  • Sau này Mác và Ăng-ghen có đề cập thêm thêm về những hình thức nhà nước cổ đại ở Phương Đông, nơi mà tồn tại một hình thức mà C.Mác gọi là "phương thức sản xuất châu Á"[11] ông đi sâu phân tích về bộ máy nhà nước ở Ấn Độ cổ đại và khẳng định là nhà nước chuyên chính Phương Đông kết hợp với mô hình công xã nông thôn. Nhà nước phương Đông ra đời một phần cũng do nhu cầu trị thủy và yêu cầu chống xâm lấn.